Đỗ Thị Khang, bút danh Trúc Mai.
Chị nguyên là Giáo viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. Chị sinh ra ở một vùng quê bão lũ nắng hanh thuộc tỉnh Thanh Hóa. Lớn lên và lập nghiệp tại Hà Nội.
Hiện chị đã nghỉ chế độ trong một bến trú bình yên, hạnh phúc cùng người chồng và các con, các cháu, tại số nhà 85/378 đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Gặp chị trong buổi sinh hoạt thơ định kỳ Câu lạc bộ thơ tình Tầm Xuân Hà Nội, vào một chiều giữa hạ. Tôi được chị trao tập thơ có tựa đề: “Cầu tây” và một số bản thảo. Nhìn tập thơ mang tựa đề hơi khó hiểu “Cầu tây” - Thơ tình chọn lọc, tôi từ từ giở xem từng trang và lập tức tập thơ tình đã cuốn hút tôi thực sự, làm tôi ngạc nhiên, thích thú. Tôi đã đọc kỹ tập thơ tình “Cầu tây”.
Như tôi đã nói chuyện ở Câu lạc bộ: Thơ là báu vật của trời ban phát cho con người và ai có diễm phúc được hưởng ân huệ này, thì con người ta dẫu cuộc sống có đưa đẩy tới đâu hay cuộc đời có thành công như thế nào, cuối cùng họ vẫn trở về với cõi văn chương là thơ.
Với Đỗ Thị Khang, chị cũng có sự nghiệp riêng của mình. Chả thế mà chị đã được Nhà nước trao tặng hai Kỷ niệm chương: “Vì sự nghiệp Giáo Dục của đất nước” và “Vì Sức Khoẻ nhân dân”. Tuy nhiên, chị vẫn luôn dành thời gian cho thơ. Mỗi khi tâm trạng vui buồn, chị lại tìm đến thơ để trút nỗi niềm và thơ đã đam mê cuốn hút chị, cô giáo ngành Y, tác giả tập thơ tình: “Cầu tây”, bút danh Trúc Mai là vậy. Trúc Mai, chị vốn sẵn có bản chất nhân hậu, dịu dàng, nặng lòng với thi ca và cũng đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Một người phụ nữ hạnh phúc, thành đạt cả danh lẫn phận.
Thơ Trúc Mai là những lời tâm sự, bộc bạch rất riêng tư, đằm thắm và đầy chiêm nghiệm từ chính cuộc đời thực của chị. Đôi khi cũng bùng lên những khát khao như bao người phụ nữ khác. Thơ chị nói nhiều về quê hương, về gia đình, tình yêu và chân lý cuộc đời.
Đây, ta hãy nghe chị hát về ngôi nhà của mình:
“… Nhịp sống tưng bừng trìu mến nơi đây/Tiếng trẻ nô đùa, tiếng gà lục tục/Tiếng xe máy, người đi về náo nức/Tôi lắng nghe niềm hạnh phúc dâng đầy/Trên sân nhà phiêu lãng với gió mây…”.
(Trích bài: Chiều trên sân nhà).
Tôi cho đây là những câu thơ mang nét đẹp cuộc sống trong nhịp điệu khôn cùng của xã hội chúng ta. Còn đây là những câu thơ tràn đầy hạnh phúc mỗi khi chị được ngả mái đầu vào bờ vai người đàn ông chị yêu thương, tin cậy gửi gắm cuộc đời mình:
“… Đôi bờ vai anh có điều chi rất lạ/ Khi em kề bên âu yếm ngả mái đầu/ Kỳ diệu quá, đôi vai dầy ấm áp/ Nâng bổng tình em bay đến trời sao/ Kỳ diệu quá mỗi lần mình hẹn gặp/ Từ đôi vai anh, hạnh phúc dâng trào…”.
(Trích bài: Đôi bờ vai anh).
Cho dù có phải trải qua bao nhiêu chông gai để tới được bến bờ hạnh phúc họ cũng vượt lên tất cả bằng nghị lực của mình. Họ sẵn sàng khỏa lấp đi mọi sự phũ phàng, chát đắng bằng sự độ lượng bao dung.
Như lời chị dặn các con:
“… Dù cho ngày tháng bộn bề/Lòng ta vẫn giữ tràn trề yêu thương/Dẫu chông gai có trên đường/Vượt lên thử thách can trường con ơi…”
(Trích bài: Những lời mẹ dặn)
Chị thấy từ nhãn tiền nỗi đau và những bất công trong nhân tình thế thái, thấy được sự khổ tâm của những người phụ nữ lệ thuộc nên thơ chị đứng về phía phụ nữ. Chị chia sẻ:
“… Ta lo xa để có dùng/Biết thương, biết tặng để cùng được yêu/Đời là bể khổ trăm chiều/Tự mình vươn tới tìm điều ấm êm…”.
(Trích bài: Chiều hè trong công viên Nghĩa Đô).
Bởi cuộc sống có muôn mặt. Gia đình có lúc khiến ta mỏi mệt nhưng nó vẫn là bến trú bình yên, chở che ta mỗi lúc bão giông. Trúc Mai ý thức được điều đó nên thơ chị đôi bài bùng phát những khát khao, đắng đót.
Người ta nói: Phụ nữ phải trải qua mười hai bến nước, đó là mười hai biển tình, bể ải. Trúc Mai cũng qua đó nhưng biển ải nào với chị hình như cũng bình lặng sóng yên.
Về những câu thơ hiếu nghĩa, chủ đề Mẹ và Quê hương luôn cho ta những cảm xúc bất tận, muôn năm không cũ. Trúc Mai viết về mẹ. Trong hoàn cảnh truân chuyên lam lũ, mưu sinh nuôi mình, nuôi con, trong bài Mẹ tôi. Tôi cho đây là những câu thơ rất thật, mộc mạc nhưng chát đắng.
“… Mẹ tôi ngơ ngác/Nhìn lại quê nhà/Ruộng vườn xơ xác/Mái đình xa…xa/Hai bên quang gánh/Hai đứa con thơ…”.
Quá khứ như một dòng sông tuôn chảy, trong dòng duy cảm của Trúc Mai, chị đã yêu và được yêu. Một thứ tình yêu tròn trịa ngọt lành. Lẽ đó thơ Trúc Mai luôn luôn có cách nhìn trẻ trung, yêu đời, bộc bạch tâm hồn và thuận về vần điệu.
Với hơn 100 bài gồm nhiều thể loại và những cảm xúc khác nhau, Trúc Mai đã đóng góp tiếng thơ của chị vào nền thi ca của dân tộc, góp phần làm giàu thêm hồn thơ trong “Thi đàn Việt Nam” và dâng tặng cho đời những bông hoa đẹp. Tôi tin rằng Cô giáo Ngành y Đỗ Thị Khang, nhà thơ Trúc Mai sẽ còn có nhiều thơ và càng ngày thơ chị càng hay hơn nữa. Bởi chị biết tự vượt lên chính mình.
Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2012
Người viết bài
Song Vũ Hoàng Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét